Tổng quan Hệ thống thử áp lực (van, đường ống)
1. Hệ thống thử áp lực là gì?
Hệ thống thử áp lực là thiết bị dùng để kiểm tra khả năng chịu áp lực của các thiết bị công nghiệp như van, đường ống, bồn chứa, và các linh kiện chịu áp khác. Đây là công đoạn bắt buộc trong quá trình kiểm định chất lượng, đảm bảo an toàn vận hành của hệ thống thiết bị áp lực trước khi đưa vào sử dụng.
Các hệ thống này thường thực hiện quá trình thử nghiệm bằng cách bơm chất lỏng (chủ yếu là nước hoặc dầu) hoặc khí vào thiết bị cần kiểm tra, sau đó gia tăng áp suất lên mức yêu cầu và quan sát khả năng chịu áp, rò rỉ hoặc biến dạng của vật liệu.
2. Nguyên lý hoạt động của hệ thống thử áp lực
Máy thử áp lực hoạt động dựa trên nguyên lý tạo ra một áp lực nhất định lên hệ thống mẫu thử(van, đường ống…) cần kiểm tra, sau đó theo dõi sự thay đổi của áp suất theo thời gian. Máy thử áp lực sử dụng nước hoặc khí nén được bơm vào bên trong mẫu thử để tạo ra áp lực cần thiết. Áp lực này được kiểm soát và đo lường thông qua các thiết bị đo đi kèm, cho phép người sử dụng theo dõi và đánh giá hiệu suất của mẫu thử dưới các điều kiện khác nhau. Thông thường, người ta sẽ tăng áp lực dần dần và giữ ở một mức nhất định trong một khoảng thời gian để kiểm tra sự bền vững của mẫu thử. Nếu hệ thống có vết nứt, rò rỉ, áp suất sẽ giảm dần.
Hệ thống thử áp lực hoạt động theo quy trình sau:
- Chuẩn bị thiết bị thử: Lắp đặt mẫu thử (van, ống, bồn chứa) vào hệ thống.
- Nạp chất thử: Bơm nước, dầu hoặc khí vào mẫu thử cho đến khi đầy.
- Tăng áp: Sử dụng bơm áp suất cao để tăng áp suất trong mẫu thử lên mức cần thiết theo tiêu chuẩn.
- Giữ áp và theo dõi: Duy trì áp suất trong thời gian quy định để kiểm tra độ rò rỉ, biến dạng hoặc nứt vỡ.
- Xả áp và đánh giá: Giảm áp suất về 0 và đánh giá kết quả thử nghiệm dựa trên các tiêu chuẩn kỹ thuật.
3. Ứng dụng trong kiểm định van và đường ống
Hệ thống thử áp lực đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp:
- Ngành dầu khí và hóa chất: Kiểm tra khả năng chịu áp của ống dẫn, thiết bị chứa, van áp suất trong điều kiện vận hành khắc nghiệt.
- Ngành xây dựng và cấp thoát nước: Đảm bảo đường ống dẫn nước, khí, chất lỏng không bị rò rỉ dưới áp suất làm việc.
- Ngành sản xuất thiết bị công nghiệp: Kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu ra trước khi xuất xưởng.
- Ngành năng lượng (nhiệt điện, thủy điện): Kiểm định hệ thống ống và thiết bị chịu áp trong nhà máy điện.
- Ngành đóng tàu: Kiểm tra độ kín, độ bền hệ thống ống dẫn nước biển, nước ngọt, nhiên liệu, dầu bôi trơn, khí nén…; đường ống cứu hỏa, ống ballast, ống xả…; Thử kín các khoang kín nước (watertight compartments) bằng áp lực.
- Các trạm xưởng sửa chữa: Kiểm tra lại các van thay mới, ống hàn lại, đường ống sửa chữa sau sự cố rò rỉ, va đập; xác nhận lại các tuyến ống trước khi nghiệm thu bàn giao cho khách hàng.
4. Lợi ích khi sử dụng hệ thống thử áp lực chuyên dụng
- Đảm bảo an toàn vận hành, tránh sự cố vỡ ống, nổ van gây thiệt hại nghiêm trọng.
- Kiểm soát chất lượng sản phẩm, giúp nhà sản xuất nâng cao uy tín.
- Tuân thủ tiêu chuẩn kỹ thuật (như ASME, ISO, API), bắt buộc trong các dự án công nghiệp lớn.
- Tiết kiệm chi phí bảo trì, do phát hiện sớm lỗi rò rỉ hoặc yếu cấu trúc.
Hệ thống thử áp lực là công cụ quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn cho các thiết bị chịu áp, góp phần nâng cao hiệu quả và độ bền của toàn bộ hệ thống công nghiệp.
Hiện nay, công ty Mesol, chúng tôi đang là đối tác cung cấp các hệ thống thử áp lực cao của các hãng lớn trên thế giới như ThinkPC Progetti (Ý), Barbee Tester (Mỹ), Revalve (Nga)… Các hệ thống thử mà chúng tôi cung cấp có thể thử cho các loại van, ống, bình chịu áp lực… với áp suất thử tối đa lên tới 30.000 PSI (≈ 2.068 bar).